Thuở đó, trước nhà tôi có bác nông dân già theo nghề trồng hoa. Mỗi khi đứng trên ban công phóng tầm mắt về phía xa. Lúc thì vườn cúc vàng ươm, lúc thì vạn thọ cam sắc, lúc thì hồng nhung kiêu sa, và ở một góc vườn, không biết tự bao giờ, một góc hướng dương đã lung linh trong nắng.
Nhìn thấy những bông hướng dương tràn đầy năng lượng đó lòng tôi bỗng nhớ về Diệp da diết. Nhớ đến bông Hướng Dương dịp 8/3 tôi tặng em ngày nào. Mới chỉ 4 tháng thôi, sao xảy nhiều thay đổi đến thế… Nỗi lòng tôi trong bao ngày không gặp tưởng như đã lắng đọng, tưởng như đã chìm sâu, nhưng không, chỉ cần thấy một điều gì đó liên quan đến em, cảm giác bồi hồi bổi hổi lại ùa về trong tâm trí. Và có lẽ, chính điều này làm tôi không sao dám dò dẫm đặt chân lên khu vườn tình ái ai đó đang giăng sẵn ngoài kia. Như chú nai con luôn rụt rè cảnh giác, sợ một bước chân đặt sai chỗ, chiếc bẫy sẽ sập lại, mắc kẹt, đớn đau, day dứt…
Một buổi chiều hạ vàng ươm ánh nắng. Tôi trần trùng trục đạp con xe trắng đen thân thương về nhà sau trận banh đầy cát ở sân Hướng Dương (vâng, sân bóng này bên trường mầm non Hướng Dương nên bọn tôi gọi là sân Hướng Dương luôn), bỗng bắt gặp một dáng hình quen thuộc lướt qua. Thoáng thấy đuôi mắt dài sâu vời vợi đó ngồi phía sau một thằng con trai. Nghĩ ngợi vài giây, tôi quay xe lại đuổi theo nhưng chẳng thấy đâu nữa. Chẳng biết có đúng là Thương không, tôi tiu nghỉu đạp về mà trong lòng dâng đầy bao cảm xúc.
Nếu đó không phải, chẳng có gì để nói. Nhưng nếu đó chính xác là em, thật lòng tôi vừa nhói lên những miên man buồn tủi. Tôi có thích em không? Thích chứ! Ngay từ cái nhìn đầu tiên hồn tôi đã sa vào đôi mắt ấy. Nhưng định mệnh lại khiến tôi quay lưng với chính bản thân mình. Để rồi, tôi lầm đường, lạc lối… như chính lời em nói.
“Tôi đi lạc đủ chưa?” Tôi cũng không biết. Bóng dáng thoáng qua vừa rồi làm tôi mơ hồ mọi thứ. Nếu em vẫn thích tôi, và tôi vẫn… đi lạc. Chẳng phải tôi lại “đánh mất” một lần nữa ư? Cơ hội liệu có đủ nhiều cho tôi phân vân không? Cảm xúc liệu có đủ lặng để tôi bình tĩnh quyết định không? Và em, liệu em có đủ kiên nhẫn chờ tôi không?
Nếu phải làm gì đó vào lúc này, tôi có thể làm gì đây?
Hôm sau, lang thang thật chậm trên con đường đến lớp toán, tôi cố để đợi ai kia sóng bước chung hàng. Rồi như một thói quen, chiếc đờ – mi nhật trắng bạc dừng lại, em và Phượng bước xuống. Đôi mắt em chưa bao giờ thôi sâu sắc. Tôi liếc qua, rồi lại vu vơ nhìn lên hàng cau xanh thẳm. Tôi phải làm gì đây…
– Sao hôm nay V buồn? – Phượng lên tiếng phá tan sự im lặng.
– À, V thấy hè buồn… nên V buồn. – Tôi hơi giật mình.
– Thương thấy hè vui. – Em vừa nói vừa cười mỉm.
– Hè vui chỗ nào Thương? – Tôi hỏi.
– Vậy hè buồn chỗ nào V? – Em đáp lại.
– … – tôi im lặng bối rối.
– Vì V không được gặp người ta đúng không?
– Người ta là ai?
– Thì ai chẳng biết là ai.
Nghe xong, tôi cúi đầu xuống nhìn con đường bê tông đầy sỏi mà nghe lòng mình gợn lên những suy tư. Em đang nhắc đến Diệp, chắc chắn là vậy. Lúc nói chuyện với tôi, em chưa bao giờ thôi trách móc. Và tôi thấy em có quyền đó. Em có quyền giận, có quyền dỗi, có quyền hờn trách tôi – kẻ đã đưa ra bàn tay đợi chờ em nắm lấy, rồi khi em chìa tay, hắn vội rụt về.
Vô lớp, tôi buồn bã cặm cụi làm bài. Không nhìn ngang, không liếc dọc, không tiếng cười, không lời nói. Để rồi lúc buổi học sắp hết, Phượng quay xuống gửi tôi mẫu giấy nhỏ:
“V đừng buồn nữa. Nếu V cứ thỉnh thoảng lại buồn như vậy, Thương cũng không vui đâu.”
Tôi nhíu mày đọc mảnh giấy rồi suy nghĩ thật kỹ về lời lẽ bên trong. Hóa ra cả Thương và Phượng đều hiểu lầm tôi một cách sâu sắc. Tôi hí hoáy viết lời đáp:
“Hai bạn hiểu nhầm V rồi… V buồn không phải vì như lời Thương nói đâu. Thật ra thì cũng có… Nhưng… còn điều khác làm V buồn hơn!”
Câu chuyện đang dang dở thì hết buổi học, cô Châu cho cả lớp ra về. Tôi gấp sách lại, bước ra khỏi lớp mà nghe đôi chân mình nặng trĩu. Tôi phải làm gì đây?
Một ngày chủ nhật. Rồi một ngày thứ hai. Hai ngày dằng dặc trôi qua trong nỗi nhớ nhung vô bờ về mái tóc dài phía trước. Càng gần em, tôi càng nghe tim mình xao động. Càng nói chuyện với em, tôi càng nghe lòng mình bâng khuâng. Và chiều hôm nọ, vóc dáng nhẹ nhàng lướt qua tôi đó, tôi chợt thấy dâng lên nỗi lo mơ hồ. Đôi lúc, lòng tôi lại đau nhói lên một cái. Nếu tên con trai nào đó đang chở em, tôi thật sự không kiềm nổi lòng mình…
Mới 5h chiều. Như sợ em và Phượng đi sớm, vác chéo chiếc cặp, tôi lững thững trầm ngâm dưới gốc ổi nghiêng nghiêng. Tầm 15ph sau, thấy bóng dáng chiếc đờ – mi tiến đến tôi mới nghe lòng mình nhẹ bỗng.
– V đợi lâu chưa? – Phượng vẫn là người lên tiếng trước.
– Ơ… V đợi gì mà lâu chưa?
– Hihi. Đợi Thương chứ đợi gì. – Phượng cười tinh nghịch.
– Không… không có, V mới ra. – Tôi cố tình nói dối.
– V nhìn mắt Thương nói lại lần nữa xem. – Em cười mỉm.
– Thôi, mình vô lớp đi. – Tôi cố tình lẩn tránh ánh mắt đó.
Chắc em và Phượng biết tỏng tôi đợi hai em từ lâu nên vừa đi vừa cười khúc khích. Vào lớp, học được một lúc, Phượng lại gửi tôi mẩu giấy:
“Hôm bữa V nói chuyện gì làm V buồn hơn?”
Suy nghĩ thật lâu, tôi viết lại:
“Phượng làm bạn thân V nhé, được không?”
“Sao vậy V?”
“Phượng trả lời được hay là không đã.”
“Uhm, tất nhiên là được, Phượng rất sẵn lòng.”
“V buồn vì V không biết phải làm sao cả. V thích Thương, nhưng V cảm thấy mình không xứng. V cảm thấy mình thật bé nhỏ. V cảm thấy mình đang bế tắc. V không thể bước tới, cũng không dám quay lưng. V vừa muốn, lại vừa sợ…”
Đây là lần đầu tiên tôi chủ động chia sẻ cảm xúc thật của mình với một người con gái. Một người tôi “mời” họ làm bạn thân của tôi. Một người tôi mong muốn và tin rằng họ sẽ giúp tôi giải tỏa bớt hoặc triệt tiêu đi những ưu phiền sầu não, những rối ren day dứt. Để rồi, để rồi…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyensextv1.com/mua-ha-dau-tien/
Cô Bảo Châu bận học thi lên cao học nên thứ 5, dạy gần hết buổi, cô buồn bã nói lời chia tay lớp. Vì thời gian không đủ, cô chỉ còn dạy được một suất thôi, ai muốn học có thể qua học suất đó. Nhưng lớp đó dành cho mấy đứa ban tự nhiên, học nhanh hơn, đề khó hơn, kiến thức cũng rộng và sâu hơn nhiều. Cô còn nhắc tôi với thằng Trọng có thể qua lớp đó, các bạn còn lại nên đăng ký cô Bích Hường hoặc thầy Nhiệm, vào suất của ban cơ bản để dành thời gian ôn văn anh. Cô xin lỗi cả lớp và hứa sẽ giúp nếu 2 thầy cô kia không nhận các bạn.
Nghe xong, lòng tôi chợt dâng lên thật nhiều những buồn bã, thất vọng. Cơ hội bên cạnh em vốn ít, nay lại trở về con số 0. Tôi cũng thương cô Bảo Châu lắm, nên khi cô thông báo, tôi giận cô ghê gớm, cảm giác giống như vừa bị bỏ rơi. Vốn tính bốc đồng, tôi đứng bật dậy gom hết sách vở đổ vào cặp trong ánh mắt ngỡ ngàng của cô và mấy đứa, rồi vác cặp lên vai, đi thẳng ra hướng cổng.
Tôi chầm chậm lang thang mải miết trên con đường đá sỏi ngoằn ngoèo. Đến cạnh một bờ hồ, dưới gốc cây Trâm già cỗi. Đây là nơi lúc nhỏ tôi vẫn hay lui tới tát cá bắn chim. Nhiều khi leo lên cây hái từng chùm Trâm ném xuống cho mấy đứa trong xóm, rồi hí hửng nhảy ùm xuống hồ. Từng chùm Trâm ngấu nghiến trong miệng làm cho hàm răng đen thui, đầu lưỡi tím ngắt. Đó là tuổi thơ. Còn bây giờ, bây giờ tôi đến lại nơi đây khi sắp bước lên ranh giới của sự trưởng thành, khi những nhớ nhung, thương mến làm tâm hồn tôi mệt nhoài vơ vẩn. Nhặt lấy hòn đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng, thấy ánh trăng lan tỏa theo từng đợt sóng nước miên man. Thằng V mỏng manh của tình trường lại trở về như bản ngã. Tôi nằm ngửa lên lớp cỏ ẩm ướt sương đêm, nghe hơi đất thẩm thấu qua từng thớ thịt. Rồi bất chợt, tôi lại nhớ đến bãi biển với gốc dừa hôm nào. Nơi tôi nghe ai kia nói lời chia cắt…
Và cũng thật nhẹ nhàng, một âm thanh quen thuộc vang lên sau lưng:
– V buồn lắm hả? – Phượng lên tiếng.
Nhìn lại sau lưng, tôi thấy em đang cầm lấy ghi đông xe, đôi mắt nhìn vào tôi trìu mến. Tôi thấy Phượng đang vẩn vơ ngắt lấy cọng cỏ mào gà đã tỏa ra từng khóm cỏ lưa thưa. Ngày ấu thơ trong tôi, cỏ mào gà gắn liền với trò chơi chọi cỏ. Hai bên đi nhặt và tìm chọn cho mình 5 khóm cỏ mào gà sung mãn, sau đó tề tựu lại rồi bắt đầu thách đấu. Lần lượt 1 bên đưa ra, 1 bên đập thật lực. Sau đó ngược lại. Bên nào bị rơi hết mào trước bị tính thua cuộc. Kẻ thua cuộc, khi thì cõng kẻ thắng đi quanh đây đó, khi thì hái xoài hái ổi phục vụ. Những niềm vui ngày đó, bây giờ khi nhớ về sao êm đềm quá thể, và tôi nhìn thấy Phượng đang mân mê những khóm cỏ mào gà như nhìn thấy cả tuổi thơ mình trong đó. Không trả lời, tôi chỉ cười buồn rồi lại nhìn về phía mặt hồ đong đầy ánh trăng.
– Dạo này V hay buồn nhỉ? – Thương bật chân chống xe và tiến tới ngồi xuống cạnh tôi.
– Ừ. Cô Bảo Châu là người cô V rất quý mến, cô đột ngột cho lớp nghỉ, V không vui chút nào. Nếu có thể lựa chọn, sao cô không cho lớp giỏi hơn kia đi tìm mà lại là lớp mình?
– Nếu cô không có sự lựa chọn thì sao V?
– Nghe câu hỏi này, với bầu tâm trạng buồn bã, chán nản, tôi ngạc nhiên quay người lại nhìn em, đến khi hai đôi mắt chạm nhau, tôi bối rối quay về lại phía hồ. – Ai cũng có sự lựa chọn mà Thương.
– Thương không có sự lựa chọn nè. – Em vừa nói vừa dùng hai tay vân vê cọng cỏ đêm.
– Tôi chợt nhớ đến buổi gặp nhau dưới tán bằng lăng khu đảo nổi hôm nọ. Hôm đó tôi đã dứt khoát đến vô tình với ai kia. Và hôm đó, hôm đó em hoàn toàn không có sự lựa chọn… Còn hôm nay, bây giờ… – Thương cũng buồn lắm, nhỉ?
– Thương cũng buồn… Nhưng Thương còn buồn vì chuyện khác…
– Chuyện gì vậy Thương?
– Em không vội trả lời, chỉ cười thật nhẹ, rồi hướng mắt lên những vì sao xa thẳm. Đôi mắt chơi vơi trong bóng tối chập choạng ánh trăng đêm như mời gọi, như hối thúc… – Thương buồn vì không thấy niềm vui nữa. Vậy thôi!
Kẻ khờ là tôi vốn chẳng dám hiểu những ý tứ sâu xa dịu vợi kia. Nên tôi vẫn nằm đó, ngã đầu vào đôi tay bắt chéo sau gáy, hướng ánh nhìn lên bầu trời bao la lấp lánh. Cứ thế, kẻ nằm, người ngồi, người đứng. 3 bọn tôi “tổ chức” buổi tiệc chia tay lớp học trong sự im lặng nhẹ nhàng. Lấy trăng đêm và sao hôm làm nến, lấy mặt hồ tĩnh lặng làm bàn, lấy cỏ mào gà mọc quanh gốc Trâm già cỗi làm tiệc. Những hơi thở đều đều, những ánh nhìn thăm thẳm, những câu chuyện vu vơ… Tôi chỉ cảm nhận được từ cả em và Phượng một bầu tâm tư chất chứa. Một nỗi lo lắng trĩu nặng trong lòng khi kỳ thi sắp tới dường như là sự đặt cược cho tất cả. Muốn khuyên gì đó, nhưng rồi lại thôi. Có lẻ vào thời điểm đó, kẻ bàng quan với thế sự như tôi vốn chỉ chưa đầy tay nắm.
Lúc ba đứa dắt xe lững thững về lại đường cũ, khi sắp ngang qua con hẻm vào nhà, Phượng cố tình đi thật chậm, và từ trong chiếc balo màu hồng phấn, em rút ra một quyền vở trao đến tay tôi thật nhanh, sau đó em đưa ngón tay trỏ lên môi ra hiệu im lặng, rồi em nói tạm biệt.
Tôi chưa hiểu lắm mọi chuyện nhưng vẫn cầm lấy cho vào cặp. Rồi như không đành lòng, tôi không rẽ vào nhà. Đi cùng hai bạn cho đến hết con dốc, đến khi em và Phượng đã yên vị trên xe quay lại cười chào, tôi mới đứng lại, lặng nhìn theo vóc dáng hai cô bạn dần khuất xa cuối con đường mà lòng dâng lên bao hụt hẫng…
Về đến nhà, chạy vội lên phòng mở cặp ra xem. Cuốn vở bìa cứng màu tím với những quả dâu chín mọng đan xen theo kiểu note book, gáy xoắn, giấy dày, dưới góc mỗi tờ là một icon ngộ nghĩnh. Giở trang đầu tiên:
‘Ngày… tháng… năm…
Gửi V, bạn thân của tôi!
Nhật ký chuyền tay?! Phượng vẫn nghe mọi người hay đề cập đến quyển sổ được luân phiên chuyền tay qua lại giữa 2 người bạn thân, để họ tâm sự, chia sẻ, bày tỏ nỗi lòng một cách dễ dàng và trung thực nhất.
Thời gian qua, Phượng thấy V hay buồn lắm. Phượng rất ngạc nhiên về điều này. Vì trước đây, khi thấy V trong những buổi họp hoặc những ngày hội vui, Phượng luôn thấy một con người tràn đầy tự tin, vui tươi và hài hước. Còn bây giờ, lại hay ngồi tơ tưởng, hay ngồi vu vơ…
Phượng học chuyên văn. Nhưng không vì thế mà văn giỏi. Như trình độ tiếng anh của V vậy. Mặc kệ đi. Lần đầu tiên có một người con trai nói muốn làm bạn thân với Phượng. Vậy nên Phượng bối rối lắm. Sau đó Phượng đã nhận lời. Phượng cũng không hiểu vì sao, chỉ biết là phượng muốn vậy. Khi nhận lời, Phượng cảm thấy mình cũng có trách nhiệm nhất định nào đó về “nỗi buồn của V”. Vậy nên, qua cuốn sổ này, mong V có thể cùng Phượng tâm sự những nỗi buồn của mình vào đây. Để cùng nhau trò chuyện, cùng nhau chia sẻ.
Phượng không thông minh, cũng không nhanh nhạy. Chỉ biết lắng nghe, và thấu hiểu!’
Lắng nghe và thấu hiểu. Cảm ơn cô bạn của tôi. Có lẽ khi mang đến lớp học cuốn sổ này, Phượng không hề biết rằng đây là buổi học cuối cùng em gặp tôi. Em nghĩ hai đứa có thể trao đổi cuốn sổ mỗi khi đến lớp. Nhưng thật tiếc. Đôi mày ngài với hàng mi cong vút, chiếc áo thun căng lên trên đôi khuôn trang phập phồng, nụ cười hiền như chiếc lá đẫm sương buổi sớm. Và cả dáng hình kia nữa… Đôi mắt biếc xa xăm, lời nói nhẹ nhàng, trong veo như dòng suối, làn tóc đen nhánh gọn gàng trên đôi bờ vai gầy… Tôi lại nhớ đến lời em nói hôm nào… Ngày mai, ngày mai đâu còn nữa… Tôi sẽ phải trải qua 2 tháng hè còn lại thế nào đây… Khi tôi chỉ còn… một mình…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyensextv1.com/mua-ha-dau-tien/
Nghĩ mà cũng ngại. Trước đây tôi có nguồn động lực mạnh mẽ ở lớp học thêm toán, vậy nên tôi học không thiếu một buổi nào. Thậm chí còn đi sớm và về trễ nữa. Đến cả khi ku Thành alo ra í ới gọi tôi về chơi tôi cũng chẳng màng.
Còn bây giờ, lớp toán đã nghỉ. Dù muốn dù không, tôi vẫn phải chuyển qua lớp kia học tiếp. Ở đây toàn mấy thành phần “cá biệt” về học tập. Có bé Diễm bạn thân tôi những năm cấp 2. Có bé Phương, bé Ngân, thằng A, thằng B… vì tôi chỉ nhớ tới mấy “bé” thôi chứ mấy đứa con trai tôi không nhớ lắm. Toàn bé ngoan chăm học với siêu trí tuệ.
Và khi đã chuyển qua lớp này thì lâu lâu nghỉ vài buổi có khi lại thú vị ra phết. Vừa đỡ đi chút áp lực bài vở, vừa có dịp xả hơi thư giãn. Vậy là tôi quyết định sáng thứ 7 sẽ khăn gói bắt xe đi theo hướng Bồ Bồ, tới chợ Lệ Trạch nhảy xuống, đi bộ qua cầu Mánh về nhà Ngoại chơi.
Lần này, bên cạnh việc gọi cho ku Thành nói về cuộc “hội ngộ” sắp tới, nhắc nó ở nhà chuẩn bị đãi khách quý, tôi còn alo cho thằng Nam, là anh họ kém tôi một tuổi, nhà tận Quận Thanh Khê về chơi.
Nhắc về anh Nam này tôi gọi là thằng cho khỏe. Vì xét theo vai vế, mẹ nó chị mẹ tôi, thành ra tôi phải gọi nó là anh. Nhưng xét về tuổi, tôi hơn nó 1 tuổi, 2 đứa lại chơi với nhau rất thân, gọi nhau toàn bằng ta mi. Những lúc tôi còn nhỏ, mỗi khi hè về, điều tôi trông ngóng nhất là được cùng nó về quê Ngoại. Cũng lẩn quẩn mấy trò như be bờ tát cá, đốn trúc câu trộm, hái xoài hái ổi, bắn chim săn ổ… Nhưng khi hai đứa chơi với nhau, rồi cùng nhau tụ họp tụi nhóc trong quê lại thành một hội, cuộc chơi thú vị hơn hẳn.
Chuyện về ku Nam này kể cũng dài. Sau này nếu có dịp, anh em sẽ lại có một biên niên truyện tha hồ chém gió. Còn riêng ở đây, tôi alo cho thằng Nam về cùng chơi cho vui theo lời ba mẹ nó. Hồi thi vô lớp 10, nó học hành chểnh mảng nên không đủ điểm vào trường tốt, phải theo nguyện vọng 2 qua trường khác, rồi theo tụi bạn trong lớp hút thuốc, ăn chơi đủ kiểu, gần mực thì đen, nó bị thi lại mấy môn. Chạy chọt mãi mới không bị đúp.
Để tránh bớt tụi bạn này, ba mẹ nó gửi nó lên nhà tôi ở một thời gian. Phần để tôi kèm cặp, phần để ba tôi giáo huấn. Ai dè ngày nó định lên là ngày tôi định về quê, vậy nên tôi rủ nó về quê luôn rồi lên nhà tôi sau.
Hơn 10 giờ trưa. Cái nắng oi ả của ngày hè miền Trung như thiêu đốt con đường đất đỏ đầy bụi bặm. May có hai rặng Bạc Hà mọc ven đường làm bức tranh đỏ chói thêm những mảng màu dịu mát. Tôi với nó xuống xe tại chợ Lệ Trạch. Từ đây về đến nhà ngoại phải đi bộ thêm 3 cây số nữa. Vẫy tay định gọi bác xe ôm nhưng nghĩ lại thấy đường chẳng xa là bao, tôi với nó quyết định đi bộ thưởng thức không khí đồng quê yên ả.
Đầu tiên là đường ray xe lửa qua ga Lệ Trạch, tiếp đến là cánh đồng mênh mông xanh của đám mạ non vừa mới cấy, thêm nữa phải đi qua khu nghĩa địa nằm bên cạnh đồn đóng của mấy chú bộ đội tên lửa, rồi lại miệt mài cuốc bộ thêm 1 cây số nữa mới đến cầu Mánh. Đi được gần 30ph, tôi với nó hả họng ra thở phò phè cho dịu đi cái nắng chói chang trên đầu như Hỏa Diệm Sơn.
– Cứ thích đi bộ, mệt đứt cả hơi. – Nó tỏ vẻ khó chịu.
– Tưởng tượng ra cũng gần, ai dè đi hoài chả thấy tới. May mà lết được đến đây.
– Thuê bà nó chiếc xe ôm có phải giờ nằm bật quạt rồi không.
– Lải nhải ta tát vỡ mồm giờ. Gần tới rồi, đi chút nữa thôi.
Gần 11 giờ, ông Ngoại đang cuốc đất phía sau, bà Ngoại thì nấu ăn trong bếp, bọn tôi vòng ra bên ảng rửa chân tay mặt mũi rồi mới vô trong nhà cất tiếng gọi thưa. Ông bà ngoại tôi ở với vợ chồng cậu út nữa, nhưng đi làm cả, tối mới về. Hai ông bà tuổi đã gần thất thập vẫn khỏe lắm, làm đồng áng ruộng vườn gọn đẹp, sạch tưng. Tôi với ku Nam, trước khi hai đứa vào cấp 3 thì gần như năm nào cũng về, vậy nên tự dọn dẹp chỗ ngủ. Bây giờ cũng như mọi lần, vác ba lô vào cái phòng lồi sát cây ổi, tôi giũ mền giũ chiếu rồi khệ nệ bê cái quạt lại cắm điện. Thằng anh thì vứt cái ba lô xong lấy xe đạp tót ra quán net đi chơi game. Chính điều này làm tôi với nó về sau bớt thân hẳn. Chơi game tôi vốn cũng ham lắm. Nhưng tự thân tôi biết thế nào là điều độ, thế nào là mê muội. Chả lớn mấy nhưng chẳng còn nhỏ nữa. Sống phải biết nghĩ cho ba mẹ, cho tương lai, cho gia đình.
Chiều hôm đó tôi mượn chiếc xe đạp đạp lên nhà ku Thành. Đến nơi, thấy nó đang chẻ lạt với mẹ. Nhác thấy tôi, nó hí hửng ra mặt:
– Về rồi à bạn, tháng qua làm gì?
– Từ từ mời ta vô nhà, đem trà bánh ra đã chứ.
– Trà thì có, bánh thì không, ăn xoài đỡ được không?
– Đúng tủ luôn, để ta làm mắm đường.
Hai thằng ngồi trên chiếc ghế cũ ọp ẹp, dưới tán vải đang đơm hoa tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bây giờ nghĩ lại, trên đoạn đường đời ngắn ngủi dài dằng dặc những muộn phiền lo toan, những trò hề giả tạo… chỉ cần có một tri kỷ bên đường, lúc chân chùn gối mỏi, tiếp thêm cho nhau chút động lực, lắng nghe cho nhau những thiệt thòi, điểm tựa cho nhau lúc nghiêng ngả… Khi thì chai bia chén rượu, khi thì tách trà gói bánh. Hiểu hết tất cả những gì chưa kịp nói, dốc lòng như đối với ruột thịt tay chân. Có những to tiếng, có những cải vã, có những đổi thay… chung quy cũng chỉ là yêu thương quý mến!
– Mi với Thương sao rồi?
– Sao là sao?
– Chứ không phải học thêm chung với em nên bỏ bạn sao? Giờ chịu ghé ta chơi chắc giận nhau à?
– Có quyền giận sao mi?
– Ta thấy nó thích mi mà, ngại chi ngại lắm vậy?
– Mi thấy nó thích ta? – Tôi trợn mắt ngạc nhiên.
– Ừ, ta nghĩ vậy.
– Thôi. Bớt nghĩ. Mà nếu có cũng chẳng làm gì nữa.
– Ta hỏi thế này, không phải để đánh giá, mà là để mi nhớ lại thôi – mi thích em nó không?
– Tôi im lặng tiu nghỉu.
– Rõ ràng là mi thích, giả như Thương không thích mi thì bỏ qua cũng được. Còn nếu như Thương cũng thích mi, hai đứa thích nhau lại chẳng đến được với nhau, hóa ra lại đổ cho tạo hóa trêu ngươi à.
– Tôi lại im lặng, trầm ngâm lắc đầu.
– Thôi, đi đánh đế chế đi.
– Đế chế? Mi định solo với ta chăng? – Tôi vừa nói vừa hất mặt kiêu ngạo.
– Không. Có điên đi solo với mi. Dạo này trên Lệ Trạch có mấy đứa ham đế chế lắm, trình cũng cỡ ta thôi, mà gáy không chịu được. Hôm trước ta alo mi về cũng vì chuyện này.
– Á à, kèo thơm, kèo thơm. Hehe…
Đạp song song với nó qua bờ Đưng, rồi qua con mương thủy lợi thẳng tắp, ngang qua một ngôi trường cửa đóng im lìm, then cài kín mít, nhìn từng chùm Phượng đỏ rực rỡ bên bức tường vôi vàng nhạt làm lòng tôi chông chênh hoài niệm.
Về nơi này, những niềm vui đơn sơ bên cánh đồng thơm ngát mùi mạ non, bên đầm hoa Sen sắc hồng hòa quyện với sắc nâu đồng đất, chạy nhảy trên sân Hợp tác xã đầy phân trâu phân bò thỏa chí với trái bóng tròn. Hay lấy bản lĩnh đế chế thượng thừa của mình dợt cho tụi du côn nông thôn giúp bọn nó mở mang sở học. Tất cả, tất cả vẫn còn thiếu đi chút gì đó. Còn thiếu nghĩa là chưa đủ, chưa đủ để lấp đi nỗi nhớ nhung khắc khoải từng dáng hình, từng tà áo…
Thật sự mà nói, trong tận sâu thâm tâm tôi lúc đó, nếu đôi mắt nâu biếc cùng vóc dáng thanh tao cứ theo mãi hồn tôi trong những đêm khó ngủ, thì nụ cười của Diệp vẫn lởn vởn đâu đó quanh đây. Tôi chắc chắn mình không chỉ nhớ một người. Chỉ là, một bên đã rời xa mãi mãi, còn một bên thì chẳng thể chung lối về…
Một buổi chiều tà nhạt nắng, thằng Thành rủ tôi ra bờ đê với những cơn gió mơn man đang đùa giỡn trên mấy nhánh Bạc Hà lung lay. Hai đứa nằm sải ra thoải mái dưới vòm trời xanh ngát. Có lẽ cả hai đã kịp lớn lên thêm chút sau một năm đầy ắp đổi thay. Không còn muốn bắn chim, trộm xoài bẻ bắp nữa. Chỉ muốn nằm tương tư thả hồn theo những tung tẩy của thiên nhiên.
– Mi với bé L sao rồi?
– Nó không nói, chỉ cười buồn.
– Nghe mi tư vấn ta thấy cũng hay, rốt cuộc chuyện của quân sư lại chẳng đi đến đâu à?
– Khác trường, học thêm cũng chẳng chung môn nào, biết làm sao được mi?
– Uhm, thứ nhất cự ly, thứ nhì tốc độ mà. Cự ly không có thì tốc độ bao nhiêu cho vừa.
– Mi có cả cự ly, có cả tốc độ, vậy còn chẳng ra gì nữa là…
Tôi thở dài, nghe như không gian, thời gian và cảnh vật hợp đến như là một chỉnh thể thống nhất. Rồi cũng không gian đó, cảnh vật đó, nhưng ở một thời điểm khác, lắm lúc họ lại quay lưng bảo chán chường, bảo buồn tủi. Nếu không tìm ra được niềm vui từ những điều nhỏ bé, thì những nỗi buồn lớn lao sẽ làm nhàu nát tâm hồn bạn thôi.
Phía chân trời ửng hồng xa xa, màu Phượng chợt buồn như thắm thêm nỗi nhớ. Trên mấy tầng vòm, tiếng ve sâu rả rích, rả rích, không ngưng…
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng… Biết ai còn nhớ đến ân tình không… Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu… những chiều hẹn nhau lúc đầu… giờ như nước trôi qua cầu…
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùa hạ đầu tiên |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện sex dài tập |
Phân loại | Truyện teen |
Tình trạng | Update Phần 70 |
Ngày cập nhật | 29/12/2023 11:39 (GMT+7) |